Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.
BẢO VỆ MÔI TRƯƠNG LÀ BẢO VỆ SỨC KHỎE TOÀN DÂN
Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.
Bảo vệ môi trường không chỉ đơn thuần là công việc của Đảng, Nhà nước, của một cơ quan hay tổ chức nào mà đó là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội. Môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là nhân tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, do đó mọi người trong xã hội từ người già đến trẻ nhỏ, từ tổ chức đến cá nhân, từ người sản xuất đến người tiêu dùng đều có quyền và nghĩa vụ trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.
Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Quy định này ghi nhận quyền và nghĩa vụ về bảo vệ môi trường của công dân, tạo cơ sở hiến định cho việc xác lập quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường vì lợi ích của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
Xác định được điều đó, thời gian qua, Đảng ủy-UBND-UBMT xã Hòa An đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện công tác bảo vệ môi trường và một trong những giải pháp trọng tâm đó chính là huy động sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Từ công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường tới tận từng cơ quan, đơn vị, thôn xóm, người dân bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện đài truyền thanh của xã và trực tiếp đến người dân; tổ chức nhiều cuộc họp hướng dẫn công tác môi trường trong xây dựng nông thôn mới Hưởng ứng và phát động nhiều hoạt động ra quân bảo vệ môi trường v.v…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác huy động các nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương thời gian qua vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục, như: Việc vận động các tầng lớp nhân dân học tập, nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường chưa thường xuyên, liên tục, chưa thực sự mang lại hiệu quả; Ý thức bảo vệ môi trường vẫn chưa trở thành thói quen; Chưa xây dựng được cơ chế khuyến khích nhân dân, nhất là các cơ sở, doanh nghiệp tham gia sâu rộng hơn nữa vào công tác bảo vệ môi trường như lĩnh vực xử lý các điểm ô nhiễm môi trường; Nguồn lực đầu tư cho công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường chưa tương xứng... Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn đang là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc cho nhân dân.
Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng nói chung và người dân Hòa An nói riêng đối với công tác bảo vệ môi trường, giải quyết cơ bản những hạn chế, vướng mắc đã nêu trên, chúng ta cần quan tâm ưu tiên thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của môi trường sống và vai trò của mỗi một công dân trong công tác bảo vệ môi trường thông qua các hình thức trực tiếp phổ biến, hướng dẫn, phát động các phong trào tình nguyện, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, tại các thôn, xóm. Lấy việc tuyên truyền giáo dục làm trọng tâm để thay đổi căn bản nhận thức, ý thức, trách nhiệm của mỗi một người dân, để người dân hiểu được bảo vệ môi trường chính là trách nhiệm của chính mình.
Thứ hai, tập trung xử lý các điểm nóng về môi trường như ô nhiễm môi trường; ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; ô nhiễm trong chăn nuôi; xử lý các cơ sở giết mổ, gia cầm gây ô nhiễm môi trường...
Thứ ba, tăng cường hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường sống. Thực hiện tốt quy định toàn dân tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trao thưởng cho những cá nhân, tập thể tố giác các hành vi phá hoại, gây ô nhiễm môi trường.
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Để thực hiện có hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường cần phải tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các ngành, đoàn thể… huy động sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp nhân dân, trước hết là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, sự quản lý chặt chẽ của UBND xã, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực đối với công tác bảo vệ môi trường.
Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận, các Hội đoàn thể, cùng với việc chung tay góp sức của mỗi người dân, Hòa An sẽ thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, QP-AN, xây dựng quê hương Hòa An ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Nguyễn Như Tạo, CT UBMT xã Hòa An